Nhà dài – không gian sống theo chế độ mẫu hệ của người Ê đê


Ngôi nhà dài nhất trong bảo tàng dân tộc học Việt Nam là không gian sống điển hình của một gia đình mẫu hệ ở Đắk Lắk.

Là người Ê đê, tân Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam H’Hen Niê rất tự hào về nguồn gốc mình. Cô từng chia sẻ người Ê đê sống theo chế độ mẫu hệ và con gái có truyền thống lập gia đình sớm. Khi tìm hiểu về văn hóa Ê đê, bạn không nên bỏ qua kiến trúc nhà dài, nơi phản ánh rõ nét cuộc sống của những người dân như H’Hen Niê suốt hàng trăm năm qua. Một ngôi nhà dài hơn 40 m của người Ê đê được phục dựng trong vườn kiến trúc của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, là nơi thường xuyên được du khách ghé thăm. Nhà dựng năm 2000 trên cơ sở nhà của gia đình bà H’Đách Êban làm năm 1967 ở Buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Dù phục dựng, ngôi nhà vẫn giữ được hướng bắc – nam theo tập quán cổ truyền Ê đê. Đầu nhà quay về phía bắc, có cửa chính, đón khách. Cầu thang lên nhà dài thường có hai cái, gọi là cầu thang đực và cầu thang cái. Cầu thang cái (phải) thường được trang trí bằng hình trăng khuyết và hình hai bầu ngực, thể hiện tín ngưỡng phồn thực và chế độ mẫu hệ. Đây là cầu thang dành cho phụ nữ và khách. Cầu thang còn lại thô mộc, nhỏ hơn, dành cho đàn ông.

Nhà dài của người Ê đê được xây dựng chủ yếu là gỗ, tre nứa các loại. Riêng mái thường lợp bằng cỏ dày trên 20 cm. Phần sàn cao hơn mặt đất chừng một mét, dưới để thoáng chứ không chăn nuôi như nhà sàn ở miền bắc. Nhà dài là nơi cư trú của cả gia đình, càng đông người nhà càng dài. Theo tài liệu tại Bảo tàng Dân tộc học, xưa kia từng có những nhà dài gần 200 m. Nhà có các cửa sổ thoáng cách đều nhau để thông khí và lấy ánh sáng.

Gian đầu tiên khi bước vào nhà gọi là gah (phòng khách), gian rộng nhất. Trong phòng khách đặt ghế dài kpan khoảng 10-20 m (bên phải), nơi các nhạc công ngồi đánh chiêng, cồng, trống. Tại đây thường diễn ra những cuộc tiếp khách, họ bàn việc chung của cả gia đình, lễ cúng, ăn uống khi nhà có việc hoặc sinh hoạt diễn tấu cồng chiêng. Đây còn là chỗ ngủ của các chàng trai cho đến khi lấy vợ, hoặc những người vì lý do nào đó rời nhà vợ về ở nhà mẹ.

Chiếc trống lớn được đặt phía cuối ghế dài, đầu còn lại là một cái chiêng.

Phòng khách bày nhiều đồ trang trí đẹp và của cải quý giá như chum, vại, cồng, chiêng, trống… Cuối phòng khách có không gian nhỏ, dành riêng cho khách nữ.

Sau phòng khách là một khoảng thông ra phía sau nhà, gọi là Ôk – không gian sinh hoạt nội bộ của đại gia đình. Trước kia, mỗi gia đình Ê đê gồm nhiều gia đình nhỏ của vài ba thế hệ. Mỗi gia đình có một buồng riêng để ngủ và cất giữ tư trang, chủ yếu là đồ mặc. Họ nằm quay đầu về hướng đông, duỗi chân về hướng tây. Đầu tiên là buồng của vợ chồng gia chủ, tiếp đến là buồng gia đình con, cháu, cuối cùng là gian bếp.

Các họa tiết trang trí thể hiện tín ngưỡng phồn thực và uy quyền của mẫu hệ được đẽo gọt ở hầu hết cột, kèo trong nhà dài.

Bên cạnh hình ảnh bầu ngực, hình tượng các con vật như voi, ba ba, kỳ đà… cũng xuất hiện ở các cột, kèo này. Các chi tiết trang trí được đẽo bằng tay với rìu truyền thống. Công cụ lao động, sinh hoạt được người Ê đê để sau nhà hoặc gài bên trong mái.

Sau nhà cũng có sân và cầu thang nhỏ, phục vụ cho các sinh hoạt gia đình. Đây thường là nơi tắm rửa, nấu ăn.


Tây nguyên


Giới thiệu

Liên hệ

Lolivi Dalat
Ma Trang Sơn, P5, Đà Lạt
0915969695